Hướng dẫn đăng ký kinh doanh dạy thêm theo hộ kinh doanh

Sau hơn 01 tháng ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định mới về dạy thêm, học thêm (gọi tắt là Thông tư 29, có hiệu lực từ ngày 14-2-2025) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Để giúp quý thầy cô dễ hình dung các công việc cần phải làm và có thể hoạt động kinh doanh dạy thêm đúng quy định pháp luật, mời quý thầy cô tham khảo hướng dẫn đăng ký kinh doanh dạy thêm ngoài nhà trường theo loại hình hộ kinh doanh qua bài viết sau.

Tại sao cần đăng ký hộ kinh doanh (HKD) khi dạy thêm?

Việc đăng ký HKD khi dạy thêm là cần thiết vì những lý do sau:

Tuân thủ pháp luật 

Hoạt động dạy thêm, dù được thực hiện dưới hình thức cá nhân hay nhóm nhỏ, vẫn mang tính chất kinh doanh vì mục đích thu lợi nhuận. Do đó, việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh là điều bắt buộc. Nếu không đăng ký, bạn có thể bị coi là hoạt động kinh doanh trái phép và phải đối mặt với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động, thậm chí bị kỷ luật nếu là giáo viên trường công lập. Việc đăng ký HKD chính là tấm vé thông hành hợp pháp, giúp bạn tránh khỏi những rủi ro pháp lý không đáng có và yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thông qua nghĩa vụ đóng thuế phát sinh từ việc kinh doanh.

Công khai, minh bạch 

Trong bối cảnh thông tin ngày càng được minh bạch hóa, việc công khai hoạt động dạy thêm thông qua đăng ký HKD là một lợi thế lớn. Khi bạn có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, một số thông tin về cơ sở dạy thêm như: địa chỉ, lĩnh vực hoạt động, môn học… sẽ được công khai trên internet. Điều này giúp phụ huynh và học sinh dễ dàng tìm kiếm, xác minh thông tin, từ đó có thể truyền thông thương hiệu, tạo dựng niềm tin và uy tín cho cơ sở dạy thêm của bạn. Sự minh bạch này cũng giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các cơ quan quản lý nhà nước.

Bảo vệ quyền lợi 

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là bằng chứng pháp lý chứng minh bạn là chủ sở hữu hợp pháp của cơ sở dạy thêm. Khi có tranh chấp xảy ra, ví dụ như tranh chấp về học phí, chất lượng giảng dạy của các thầy cô giáo khác mà bạn thuê làm ảnh hưởng đến cơ sở của bạn, hoặc các vấn đề liên quan đến hợp đồng (nếu có), bạn sẽ có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các quy định pháp luật liên quan để xem xét và giải quyết tranh chấp một cách công bằng.

Thủ tục dễ dàng, đơn giản trong việc đóng thuế 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hộ kinh doanh đóng thuế khoán theo doanh thu với Chi cục thuế nơi đăng ký kinh doanh (gồm thuế môn bài, thuế TNCN, thuế GTGT). Chủ cơ sở dạy thêm chỉ việc đóng thuế khoán hàng tháng qua ứng dụng Etax Mobile một cách dễ dàng, thuận tiện. Trong thời gian hoạt động, nếu trường hợp kinh doanh không hiệu quả, cơ sở dạy thêm muốn tạm dừng việc kinh doanh một thời gian ngắn thì có thể thông báo tạm dừng hoạt động với Cơ quan thuế và UBND quận/huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh.

>> Xem thêm: Khi nào cá nhân phải tự quyết toán thuế? Thời hạn quyết toán thuế TNCN 2024?

Mở rộng cơ hội phát triển

Khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bạn có thể mở rộng quy mô hoạt động dạy thêm một cách dễ dàng hơn. Bạn có thể tuyển thêm giáo viên, mở rộng địa điểm, đa dạng hóa các khóa học, hoặc hợp tác với các tổ chức, trung tâm giáo dục khác. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng là một lợi thế khi bạn muốn tham gia vào các dự án giáo dục khác, chuyển đổi mô hình hoạt động lên doanh nghiệp hoặc xin, giấy phép khác liên quan đến hoạt động giáo dục.

dang-ky-kinh-doanh-day-them-theo-ho-kinh-doanh-1 (1)

Hướng dẫn đăng ký kinh doanh dạy thêm theo hộ kinh doanh

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh

  1. Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Theo mẫu tại Phụ lục III-1, Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT).
  2. Bản sao công chứng CCCD/Thẻ CC/Hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh, thành viên góp vốn hộ kinh doanh (nếu có).
  3. Hợp đồng thuê địa điểm hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu sử dụng nhà riêng để dạy).
  4. Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng Tài chính – Kế hoạch – UBND cấp huyện/quận nơi đăng ký kinh doanh

  • Thời gian giải quyết: 3 – 5 ngày làm việc sau khi nộp hồ sơ hợp lệ.
  • Lệ phí Nhà nước: Tùy từng tỉnh, thường là 100.000 VNĐ.

Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

  • Sau khi được cấp giấy đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh có thể khắc dấu, làm biển hiệu, mở tài khoản ngân hàng (nếu cần).
  • Tiến hành treo biển hiệu tại địa chỉ đăng ký.

Bước 4: Kê khai thuế ban đầu tại Chi cục Thuế

  1. Trong vòng 10 ngày sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, chủ hộ trực tiếp lên Chi cục thuế nơi đăng ký kinh doanh để tiến hành kê khai thuế khoán (thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT nếu có).
  2. Mua hóa đơn, chữ ký số (nếu cần).

Bước 5: Nộp thuế hộ kinh doanh (thường nộp theo tháng qua ứng dụng Etax mobile)

Hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế.

1. Thuế môn bài:

+ Doanh thu từ 100 – 300 triệu/năm (đồng): 300.000 đồng/năm

+ Doanh thu từ 300 – 500 triệu/năm (đồng): 500.000 đồng/năm

+ Doanh thu trên 500 triệu/năm (đồng): 1.000.000 đồng/năm

2. Thuế GTGT: Không chịu thuế, thuế TNCN: 2%

Từ 1/1/2026, hộ kinh doanh có doanh thu trên 200 triệu đồng mới phải đóng thuế.

Bước 6: Niêm yết thông tin tại cơ sở dạy thêm (theo Mẫu số 02 TT 29/2024/TT-BGDĐT)

Nội dung niêm yết:

– Các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp.

– Địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm.

– Danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

  • Tải về Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh để đăng ký dạy thêm TẠI ĐÂY
  • Tải về Hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh TẠI ĐÂY

Lưu ý: 

  • Hộ kinh doanh dạy thêm đăng ký mã ngành: 8559 – Giáo dục khác chưa được phân vào đâu (Chi tiết: gia sư, dạy kèm, dạy thêm học thêm).
  • Giáo viên thuộc các trường công lập không được đứng ra đăng ký hộ kinh doanh tổ chức dạy thêm, nhưng có thể ký hợp đồng với các cơ sở dạy thêm khác để trực tiếp giảng dạy. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng theo Mẫu số 03 TT 29/2024/TT-BGDĐT.

Việc đăng ký HKD khi dạy thêm là một quyết định sáng suốt, mang lại nhiều lợi ích về mặt pháp lý, kinh tế, và xã hội. Đó là một khoản đầu tư nhỏ nhưng mang lại giá trị lớn, giúp xây dựng một sự nghiệp dạy thêm bền vững và thành công. Để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất về thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm theo hộ kinh doanh đúng luật, nhanh chóng, hãy liên hệ ngay BizNext theo HOTLINE 0832 016 336.

>> Xem thêm: Khi nào nên thành lập công ty? Top 5 câu hỏi thường gặp nhất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *