Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân đã mở ra một chương mới đầy triển vọng. Nghị quyết này không chỉ đặt ra những mục tiêu cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân mà còn đề ra những giải pháp cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển.
Kinh tế tư nhân là gì?
Theo tiểu mục 1 Mục I về quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 nêu rõ kinh tế tư nhân như sau:
“Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.”
Vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam
Đóng góp vào GDP
Theo Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 của Bộ Chính trị: Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP với hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Đảm bảo sự tự chủ và nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân là một yếu tố sống còn. Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước sẽ đảm bảo sự tự chủ của nền kinh tế, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài, và tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh hơn.
Động lực giải quyết vấn đề tạo việc làm
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của kinh tế tư nhân là giải quyết bài toán về việc làm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã vượt qua khu vực nhà nước để trở thành nguồn cung cấp việc làm lớn nhất, chiếm hơn 60% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp (chưa tính đến hộ cá thể, tập thể). Sự phát triển của kinh tế tư nhân không chỉ tạo ra cơ hội việc làm mà còn góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy sự ổn định của xã hội.
Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đưa ra mục tiêu và tầm nhìn trong tương lai như sau:
Mục tiêu đến năm 2030
– Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
– Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
– Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 – 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 – 58% GDP, khoảng 35 – 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 – 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 – 9,5%/năm.
– Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045
Kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
>> Xem thêm: Hơn 51.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2025
Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68-NQ/TW?
Có 08 giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân tại Mục III Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 như sau:
Nhiệm vụ 1: Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.
Nhiệm vụ 2: Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
– Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách.
– Bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
– Tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
Nhiệm vụ 3: Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.
– Tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân.
– Đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân.
– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân.
Nhiệm vụ 4: Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.
Nhiệm vụ 5: Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Nhiệm vụ 6: Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Nhiệm vụ 7: Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Nhiệm vụ 8: Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
>> Xem thêm: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 3 năm đầu thành lập
Nghĩa vụ của doanh nghiệp giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân
Nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:
– Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
– Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
– Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Để tận dụng tối đa cơ hội từ sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tư nhân, việc thành lập và vận hành doanh nghiệp một cách bài bản, tuân thủ pháp luật là yếu tố then chốt. FPT BizNext tự hào là người bạn đồng hành đáng tin cậy, giúp bạn vượt qua mọi rào cản pháp lý, tập trung vào phát triển kinh doanh và góp phần hiện thực hóa những mục tiêu đất nước.
Với kinh nghiệm chuyên sâu về dịch vụ thành lập doanh nghiệp, pháp lý, tư vấn chuyên nghiệp và quy trình nhanh chóng, hiệu quả, FPT BizNext cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các yêu cầu theo Nghị định 68-NQ/TW. Chúng tôi không chỉ giúp bạn hoàn thành các thủ tục hành chính mà còn cung cấp những tư vấn giá trị để bạn có thể tập trung vào việc phát triển sản phẩm, dịch vụ và xây dựng doanh nghiệp của mình.
Hãy để FPT BizNext đồng hành cùng bạn trên con đường khởi nghiệp, xây dựng một tương lai tươi sáng và thịnh vượng!