Bạn đang ấp ủ ý tưởng kinh doanh độc đáo và mong muốn hiện thực hóa giấc mơ thành lập công ty riêng? Để tránh những sai sót không đáng có và đảm bảo có một nền tảng vững chắc để phát triển, hãy cùng tìm hiểu những sai lầm mà các nhà khởi nghiệp thường mắc phải khi đăng ký thành lập công ty qua bài viết dưới đây.
Kê khai vốn điều lệ quá thấp hoặc quá cao
Việc xác định và kê khai vốn điều lệ không phù hợp với thực tế của doanh nghiệp là một trong những sai lầm phổ biến khi thành lập doanh nghiệp mới. Vấn đề này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, uy tín và thậm chí là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trường hợp đặt vốn điều lệ quá thấp có thể khiến đối tác hoặc khách hàng nghi ngờ về năng lực tài chính và khả năng thực hiện cam kết của doanh nghiệp. Ngoài ra, một số ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định (như tài chính, bất động sản), trường hợp vốn điều lệ thấp hơn quy định sẽ không đủ điều kiện hoạt động.
Ngược lại, khi đặt vốn điều lệ quá cao có thể tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong trường hợp vốn góp chưa được thực hiện đầy đủ. Theo quy định, các thành viên hoặc cổ đông phải góp vốn đủ số tiền đã cam kết trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Nếu không thực hiện đúng, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc buộc phải điều chỉnh vốn điều lệ.
Do đó, cần xác định vốn điều lệ phù hợp với với quy mô công ty cũng như đặc thù từng lĩnh vực kinh doanh khi thành lập.
Đặt tên công ty trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn
Một trong những sai lầm phổ biến khi đăng ký thành lập công ty là đặt tên công ty trùng lặp hoặc không hợp lệ. Tên công ty phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định được nêu rõ trong Điều 37, 38, 39 và 41 của Luật Doanh nghiệp 2020. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính hợp pháp của tên công ty.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tên công ty tuyệt đối không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của bất kỳ doanh nghiệp nào đã đăng ký hoạt động hợp pháp trước đó.
Bên cạnh đó, tên công ty cũng phải tuân thủ các yêu cầu về chuẩn mực đạo đức, không được phép sử dụng các từ ngữ, ký hiệu mang nội dung vi phạm các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với cộng đồng và xây dựng hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp.
Lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh
Đăng ký ngành nghề kinh doanh là thủ tục bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp và nếu xảy ra sai sót có thể dẫn đến nhiều hệ quả như hồ sơ bị từ chối, hoạt động không hợp pháp, hoặc phải tốn chi phí và thời gian để sửa đổi.
Dưới đây là các sai lầm phổ biến khi đăng ký ngành nghề kinh doanh mà bạn cần tránh:
- Đăng ký sai hoặc thiếu ngành nghề kinh doanh dẫn đến khó khăn trong việc xuất hóa đơn (do hóa đơn chỉ phát hành trong phạm vi ngành nghề đã đăng ký).
- Một số ngành nghề đặc biệt yêu cầu phải có giấy phép con hoặc chứng chỉ ngành nghề mới có thể hoạt động. Nếu công ty không đăng ký đúng mã ngành hoặc mô tả ngành nghề không chính xác sẽ dẫn tới không thể xin được giấy phép con.
- Ngành nghề kinh doanh không phù hợp với kế hoạch quy hoạch và phát triển kinh tế chung của từng địa phương, khu vực…nơi đặt trụ sở công ty.
- Ghi mã ngành chung chung, không chi tiết gây khó khăn trong thực hiện thủ tục pháp lý, mở rộng quy mô, quản lý tài chính và có thể vi phạm các quy định hoạt động kinh doanh hợp pháp.
- Đăng ký quá nhiều ngành nghề không liên quan sẽ làm cho hồ sơ doanh nghiệp trở nên phức tạp, khó kiểm soát. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự minh bạch và uy tín của công ty trong mắt đối tác và cơ quan chức năng.
Địa chỉ trụ sở chính không hợp pháp
Chọn địa chỉ trụ sở chính không hợp lệ là một trong những sai lầm nghiêm trọng khi thành lập doanh nghiệp, có thể dẫn đến việc hồ sơ đăng ký bị từ chối hoặc gián đoạn hoạt động kinh doanh. Theo quy định, địa chỉ phải rõ ràng (số nhà, ngõ, hẻm, đường, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố…) và không nằm trong khu vực bị cấm, ví dụ như căn hộ chung cư chỉ để ở.
Hiện nay, có nhiều trường hợp doanh nghiệp sử dụng shophouse (căn thương mại) hoặc officetel (căn hộ hỗn hợp: kết hợp để ở với mục đích thương mại) để đăng ký địa chỉ trụ sở công ty. Nếu doanh nghiệp muốn sử dụng căn hộ chung cư để làm trụ sở thì cần xác định rõ là nhà chung cư chứa căn hộ đó thuộc loại nào: nhà chung cư có mục đích để ở hay có mục đích sử dụng hỗn hợp?
>> Xem thêm: Nên đặt trụ sở công ty ở đâu? Những lưu ý khi đặt trụ sở chính công ty
Không chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký thành lập công ty
Việc chuẩn bị đầy đủ và chính xác hồ sơ thành lập công ty là một yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, những người lần đầu thành lập công ty dễ mắc phải sai lầm do thiếu kinh nghiệm, dẫn đến việc hồ sơ không đầy đủ hoặc thiếu chính xác, sửa đổi hồ sơ nhiều lần, làm chậm trễ quá trình thành lập. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch kinh doanh ban đầu.
Một số lỗi thường gặp khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp: thiếu giấy tờ bắt buộc như điều lệ công ty, danh sách thành viên góp vốn (đối với công ty TNHH), hoặc danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần).
Để tránh mắc phải sai lầm này, doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật hiện hành và đảm bảo chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số thông tin đã được FPT BizNext chia sẻ trước đó về thành lập công ty, chẳng hạn như: “Hồ sơ, thủ tục thành lập công ty TNHH”, “Hồ sơ, thủ tục thành lập công ty cổ phần”,…
Thành lập doanh nghiệp là một hành trình đầy thử thách, nhưng cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn theo đuổi đam mê và hiện thực hóa những ước mơ của mình. Bằng cách tránh những sai lầm khi đăng ký thành lập công ty ở trên và chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn sẽ có một nền tảng vững chắc để vững bước trên con đường khởi nghiệp. Liên hệ ngay FPT BizNext để được tư vấn chi tiết về dịch vụ thành lập công ty nhanh chóng, chính xác.