Ngày 20/3/2025, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số quy định trong Nghị định 123/2020/NĐ-CP liên quan đến hóa đơn và chứng từ. Hiệu lực từ ngày 01/06/2025, Nghị định này sẽ mang đến nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm tối ưu hóa việc quản lý hóa đơn điện tử, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong việc tuân thủ pháp luật.
Hãy cùng FPT BizNext tìm hiểu ngay 8 điểm mới của nghị định 70/2025/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ qua những thông tin dưới đây.
Bổ sung đối tượng áp dụng
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP bổ sung về đối tượng áp dụng tại điểm e vào khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP như sau:
e) Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác đăng ký tự nguyện sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy, điểm mới ở đây đó là việc mở rộng đối tượng áp dụng cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Những đơn vị này nếu kinh doanh thương mại điện tử hoặc dịch vụ số tại Việt Nam có thể tự nguyện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, cụ thể là hóa đơn GTGT theo quy định.
Bổ sung giải thích thuật ngữ về hóa đơn, chứng từ
Theo khoản 2 điều 1 nghị định 70/2025/NĐ-CP bổ sung và giải thích một số thuật ngữ về hóa đơn, chứng từ, bao gồm:
- Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế
- Máy tính tiền
- Chứng từ điện tử
- Tiêu hủy hóa đơn, chứng từ
- Tiêu hủy hóa đơn do cơ quan thuế đặt in
Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
Theo khoản 4 điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về các hành vi bị cấm áp dụng cho các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ.
Cụ thể, các hành vi bị cấm bao gồm:
- Làm giả hóa đơn, chứng từ để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Không chuyển dữ liệu điện tử về cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định này.
Cụ thể quy định tại Nghị định như sau:
2. Đối với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan
a) Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; làm giả hóa đơn, chứng từ để thực hiện hành vi trái pháp luật;
b) Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể: các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;
c) Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;
d) Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính;
đ) Không chuyển dữ liệu điện tử về cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định này.
Thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa xuất khẩu linh hoạt hơn
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn. Cụ thể:
- Đối với bán hàng hóa, hóa đơn phải được lập ngay khi quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa được chuyển giao cho người mua, bất kể tiền đã được thanh toán hay chưa.
- Đối với xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả gia công xuất khẩu), doanh nghiệp có thể tự quyết định thời điểm lập hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn thương mại, nhưng chậm nhất không được quá ngày làm việc tiếp theo sau khi hàng hóa thông quan theo quy định hải quan.
>> Xem thêm: Doanh nghiệp bắt buộc sử dụng chữ ký số trong các trường hợp sau
Sửa quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a, e, l, m, n Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như:
- Cung cấp dịch vụ số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần thời gian đối soát số liệu (điểm a)
- Hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô (điểm e)
- Hoạt động cho vay, đại lý đổi ngoại tệ (điểm l)
- Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền (điểm m),
- Hoạt động khám chữa bệnh (điểm n).
Bổ sung thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, casino và trò chơi điện tử có thưởng
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP bổ sung điểm p, q, r Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, casino và trò chơi điện tử có thưởng.
- Đối với hoạt động kinh doanh vé xổ số truyền thống, xổ số biết kết quả ngay (vé xổ số) theo hình thức bán vé số in sẵn đủ mệnh giá cho khách hàng: Sau khi thu hồi vé xổ số không tiêu thụ hết và chậm nhất là trước khi mở thưởng của kỳ tiếp theo, doanh nghiệp kinh doanh xổ số lập 01 hóa đơn giá trị gia tăng điện tử có mã của cơ quan thuế cho từng đại lý là tổ chức, cá nhân cho vé xổ số được bán trong kỳ gửi cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn.
- Đối với hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng: Thời điểm lập hóa đơn điện tử chậm nhất là 1 ngày kể từ thời điểm kết thúc ngày xác định doanh thu, đồng thời doanh nghiệp kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng chuyển dữ liệu ghi nhận số tiền thu được (do đổi đồng tiền quy ước cho người chơi tại quầy, tại bàn chơi và số tiền thu tại máy trò chơi điện tử có thưởng) trừ đi số tiền đổi trả cho người chơi (do người chơi trúng thưởng hoặc người chơi không sử dụng hết) theo Mẫu 01/TH-DT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế cùng thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử. Ngày xác định doanh thu là khoảng thời gian từ 0 giờ 00 phút đến 23 giờ 59 phút cùng ngày.
Sửa đổi, bổ sung nội dung về hóa đơn điện tử máy tính tiền
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi tên Điều 11 và sửa đổi, bổ sung Điều 11 nghị định 123/2020/NĐ-CP. Theo đó, hộ kinh doanh và doanh nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, với yêu cầu kết nối dữ liệu trực tiếp đến cơ quan thuế. Đây là bước tiến trong việc minh bạch hóa giao dịch và giảm thiểu gian lận thuế.
Bãi bỏ một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP
Khoản 4 Điều 2 Nghị định 70/2025/NĐ-CP quy định sẽ bãi bỏ những Điều này của Nghị định 123/2020/NĐ-CP:
- Khoản 10 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: Quy định về hủy hóa đơn, chứng từ
- Điểm g khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: Quy định đối với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ và dịch vụ ăn uống.
- Khoản 2 Điều 33 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: Quy định về định dạng chứng từ khấu trừ thuế.
- Điều 37 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: Quy định về lập và ủy nhiệm lập biên lai.
- Khoản 2 Điều 50 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: Quy định về dừng kết nối hệ thống của bên sử dụng thông tin với Cổng thông tin điện tử.
- Điều 51 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: Quy định về thời hạn cung cấp thông tin hóa đơn điện tử.
- Khoản 3 khoản 4 Điều 52 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: Quy định về triển khai, công bố địa chỉ thư điện tử và số điện thoại cung cấp thông tin hóa đơn điện tử.
- Khoản 5 Điều 53 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: Quy định về đảm bảo xây dựng, triển khai, vận hành hệ thống tiếp nhận thông tin hóa đơn điện tử.
Trên đây là những điểm mới được quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Hy vọng thông tin này sẽ giúp doanh nghiệp cập nhật kịp thời, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và hạn chế tối đa các rủi ro không đáng có liên quan đến hóa đơn, chứng từ.
Mọi thắc mắc cần tư vấn, hỗ trợ, Quý khách vui lòng liên hệ tới hotline: 0832016336, đội ngũ FPT BizNext sẽ giải đáp nhanh chóng và chi tiết nhất.
Khám phá ngay phần mềm hóa đơn điện tử FPT.eInvoice giúp doanh nghiệp của bạn tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình quản lý hóa đơn một cách dễ dàng và hiệu quả!