Công ty TNHH (Trách nhiệm hữu hạn) được ưa chuộng bởi tính linh hoạt, dễ quản lý và khả năng bảo vệ tài sản cá nhân cho các thành viên. Tuy nhiên, để thành lập một công ty TNHH hợp pháp, bạn cần nắm vững các quy định về hồ sơ, thủ tục thành lập công ty TNHH theo luật hiện hành. Bài viết này sẽ cung cấp một hướng dẫn chi tiết, đầy đủ giúp bạn tự tin thực hiện từng bước trong quá trình thành lập công ty TNHH của mình.
Tổng quan về công ty TNHH
Công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp mà thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50 (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên). Công ty TNHH một thành viên có thể do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu.
Ưu điểm:
- Thủ tục thành lập đơn giản: So với công ty cổ phần, thủ tục thành lập công ty TNHH đơn giản hơn và ít yêu cầu về giấy tờ hơn.
- Dễ quản lý: Cơ cấu tổ chức của công ty TNHH đơn giản, dễ quản lý và kiểm soát.
- Bảo vệ tài sản cá nhân: Các thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp, giúp bảo vệ tài sản cá nhân khỏi rủi ro kinh doanh.
Nhược điểm:
- Khả năng huy động vốn hạn chế: So với công ty cổ phần, công ty TNHH khó huy động vốn hơn do không được phát hành cổ phiếu.
- Khó chuyển nhượng vốn góp: Việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH thường phức tạp hơn so với chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần.
Các loại hình công ty TNHH
Hiện nay, có hai loại hình công ty TNHH tại Việt Nam như sau:
Công ty TNHH một thành viên: Do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Có từ 2 – 50 thành viên. Các thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Điều kiện thành lập công ty TNHH
Để thành lập công ty TNHH, bạn cần đáp ứng các điều kiện sau:
Tên công ty: Tên công ty phải tuân thủ quy định tại Điều 37, 38, 39 và 41 Luật Doanh nghiệp 2020. Tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký.
Trụ sở chính: Trụ sở chính của công ty phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của công ty.
Ngành, nghề kinh doanh: Ngành, nghề kinh doanh của công ty không thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Vốn điều lệ: Không có quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty TNHH, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác (ví dụ: Cung ứng nhân lực, ngân hàng, bảo hiểm…).
Theo quy định tại Thông tư số 302/2016/TT-BTC của Bộ tài chính hướng dẫn về lệ phí môn bài, doanh nghiệp dựa vào vốn điều lệ của công ty để nộp lệ phí môn bài gồm 2 bậc:
– Vốn trên 10 tỷ đồng: Nộp lệ phí môn bài 3 triệu đồng/năm.
– Vốn từ 10 tỷ trở xuống: Nộp lệ phí môn bài 2 triệu đồng/năm.
Hiện tại theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/02/2020, doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài năm đầu thành lập.
Thành viên:
- Công ty TNHH một thành viên: Phải có một chủ sở hữu là tổ chức hoặc cá nhân.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Phải có từ 2 đến 50 thành viên.
Người đại diện theo pháp luật: Công ty TNHH có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ thành lập công ty TNHH
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH khác nhau tùy thuộc vào loại hình công ty (một thành viên hoặc hai thành viên trở lên). Dưới đây là danh sách chi tiết:
Hồ sơ thành lập công ty TNHH một thành viên
(Theo Điều 21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp: Sử dụng mẫu quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT. Điền đầy đủ và chính xác các thông tin.
Điều lệ công ty: Điều lệ công ty TNHH một thành viên phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2020.
Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
- Đối với chủ sở hữu là cá nhân: Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác.
- Đối với chủ sở hữu là tổ chức: Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác. Quyết định thành lập, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Văn bản ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền của tổ chức. Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền.
Văn bản ủy quyền (nếu có): Nếu người nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Hồ sơ thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp: Sử dụng mẫu quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT. Điền đầy đủ và chính xác các thông tin.
Điều lệ công ty: Điều lệ công ty TNHH hai thành viên trở lên phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2020.
Danh sách thành viên: Danh sách này bao gồm thông tin về các thành viên, số vốn góp của mỗi thành viên, phương thức thanh toán vốn góp.
Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
- Đối với thành viên là cá nhân: Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác.
- Đối với thành viên là tổ chức: Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác. Quyết định thành lập, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Văn bản ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền của tổ chức. Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền.
Văn bản ủy quyền (nếu có): Nếu người nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Lưu ý: “Bản sao hợp lệ” là bản sao được chứng thực từ cơ quan có thẩm quyền hoặc bản sao có chứng thực điện tử từ sổ gốc.
>> Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục thành lập công ty cổ phần
Quy trình, thủ tục thành lập công ty TNHH
Thủ tục thành lập công ty TNHH được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Thu thập đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo danh mục hồ sơ tương ứng với loại hình công ty TNHH bạn muốn thành lập.
Kiểm tra kỹ lưỡng tính chính xác, đầy đủ và hợp lệ của tất cả các giấy tờ.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thành lập công ty cổ phần như trên, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn) thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Thông thường, trong thời hạn 03-07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản
Bước 4: Khắc dấu và thông báo mẫu dấu
Doanh nghiệp tự quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu.
Bước 5: Thực hiện các thủ tục sau thành lập
- Kê khai và nộp thuế môn bài.
- Đăng ký chữ ký số để thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước.
- Mở tài khoản ngân hàng cho công ty.
- Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
- Đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.
- Tuân thủ các quy định về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính.
Hy vọng rằng, với những thông tin chi tiết và đầy đủ về hồ sơ, thủ tục thành lập công ty TNHH trên đây giúp bạn tự tin hơn trên hành trình khởi nghiệp của mình. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn pháp lý và doanh nghiệp nếu bạn gặp bất kỳ khó khăn nào khi thành lập. Liên hệ FPT BizNext để được tư vấn chi tiết về dịch vụ thành lập doanh nghiệp uy tín, chuyên nghiệp.